Sân bóng đá mini , fusal

Sân bóng đá mini
1. Sân thi đấu
     1.1. Kích thước: Sân hình chữ nhật, chiều dọc tối đa 42m và tối thiểu 25m, chiều ngang tối đa 25m và tối thiểu 15m. Trong mọi trường hợp chiều dọc sân phải lớn hơn chiều ngang sân.
1.2. Các đường giới hạn:Các đường giới hạn trên sân phải kẻ rõ ràng có bề rộng 8cm. Đường giới hạn theo chiều dọc sân gọi là đường biên dọc và đường giới hạn theo chiều ngang sân gọi là đường biên ngang. Đường giới hạn nửa sân được kẻ theo suốt chiều ngang của sân. Ở chính giữa đường giới hạn này có một điểm rõ ràng gọi là tâm của sân. Lấy điểm này làm tâm, kể một vòng tròn có bán kính 3m.
1.3. Khu phạt đền:Từ biên ngang của mỗi phần sân, lấy chân 2 cột dọc cầu môn làm tâm kẻ vào trong sân 1/4 đường tròn có bán kính 6m, nối điểm cuối của 2 cung 1/4 đường tròn được đoạn thẳng dài 3,16m song song và cách đều đường biên ngang (đường cầu môn) 6m. Khu vực trong giới hạn bởi những đường kẻ đó gọi là khu phạt đền. Đường giới hạn này gọi là đường 6m.
1.4. Điểm phạt đền thứ nhất:Trên đường 6m và ở giữa đoạn thẳng 3,16m có một điểm rõ ràng. Đó là điểm phạt đền thứ nhất.
1.5. Điểm phạt đền thứ hai:Trên đường thẳng góc với biên ngang ở vị trí cách biên ngang 10m có một điểm rõ ràng. Đó là điểm phạt đền thứ hai.
1.6. Cung đá phạt góc:
a. Lấy tâm là giao điểm của biên dọc và biên ngang của mỗi góc sân, kẻ phía trong sân 1/4 đường tròn có bán kính 25cm. Đây là vị trí đặt bóng khi đá quả phạt góc.
b. Có thể kẻ phía ngoài sân một đoạn thẳng vuông góc với đường biên ngang cách điểm góc sân 5m để xác định vị trí đứng của cầu thủ đội phòng thủ khi đối phương thực hiện quả phạt góc.
1.7. Khu vực thay cầu thủ dự bị của mỗi đội bóng:Trên đường biên dọc phía đặt ghế ngồi của cầu thủ dự bị, mỗi đội bóng có khu vực thay đổi cầu thủ dự bị của đội mình. Khu vực này nằm trên đường biên dọc có độ dài 5m, cách đường giới hạn nửa sân 5m, được xác định bởi 2 đoạn thẳng vuông góc với đường biên dọc và có độ dài 80cm (40cm ở phía trong và 40cm ở phía ngoài sân). Khi thay người, các cầu thủ phải ra, vào trong khu vực thay người của đội mình.
Ghi chú: Trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp, khu vực thay người của 2 đội sẽ hoán đổi để việc thay người của đội bóng được thuận lợi.
1.8. Khung cầu môn: Ở giữa mỗi đường biên ngang có một khung cầu môn, gồm hai cột dọc vuông góc với mặt sân, cách nhau 3m (tính từ mép trong) được nối với nhau bằng xà ngang song song và cách mặt sân 2m (tính từ mép dưới xà). Bề rộng và bề dày của cột dọc, xà ngang phải cùng kích thước là 8cm.
Khung cầu môn có thể tháo rời được, nhưng trước trận đấu phải lắp đặt chặt chẽ, an toàn và gắn cố định xuống mặt sân. Lưới phải có khung đỡ thích hợp phía sau cầu môn và được mắc chắc chắn vào xà ngang, cột dọc và mặt sân (Hình 3).
1.9. Mặt sân:Mặt sân phải bằng phẳng và không thô nhám. Khuyến khích nên dùng mặt sân lát gỗ hoặc phủ chất liệu. Không được dùng mặt sân bằng bê tông hoặc tráng nhựa đường.Ghi chú: Lưới cầu môn phải làm bằng sợi vải, sợi đay hoặc dây nilon. Tuy nhiên những sợi nilon không được nhỏ hơn sợi vải, sợi đay.

2. Bóng
Bóng phải hình tròn, chất liệu vỏ ngoài của bóng phải bằng da hoặc chất liệu khác được công nhận. Không được sử dụng những chất liệu có thể gây nguy hiểm cho cầu thủ.
Áp suất của bóng: Từ 400 – 600 gr/cm2 .
Chu vi quả bóng tối thiểu là 62cm và tối đa là 64cm. Trọng lượng quả bóng lúc bắt đầu trận đấu không được nặng hơn 440g và nhẹ hơn 400g.
Chỉ có trọng tài chính mới có quyền thay đổi bóng trong trận đấu.

3. Số lượng cầu thủ
     3.1. Trước giải thi đấu, mỗi đội bóng có nghĩa vụ lên danh sách các thành viên tham gia đá bóng. Các cầu thủ chỉ được thay trong phạm vi danh sách này.
3.2. Số lượng cầu thủ thi đấu trên sân mỗi đội là 6 người, không hạn chế số lượng thay thế trong mỗi trận. Sự thay đổi người có thể diễn ra vào bất cứ thời điểm bóng ngoài cuộc nào với sự đồng ý của trọng tài. Cầu thủ bị thay ra có thể trở lại sân thi đấu, thay thế cho cầu thủ khác.

4.  Thời gian thi đấu.
     4.1. Một trận đấu gồm 2 hiệp, mỗi hiệp 20 phút.
4.2. Việc theo dõi từng trận đấu do thư ký bấm giờ chịu trách nhiệm như quy định ở Luật VII.
4.3. Ngay trước khi kết thúc mỗi hiệp đấu, một đội bóng được hưởng quả phạt đền hiệp đấu đó phải được kéo dài đủ để thực hiện xong quả phạt đó.
4.4. Trong mỗi hiệp đấu, các đội được quyền hội ý một lần với thời gian 1 phút nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
a. Huấn luyện viên của đội mới được quyền yêu cầu thời gian 1 phút hội ý qua thư ký bấm giờ trong bất cứ thời điểm nào của hiệp đấu.
b. Thư ký bấm giờ chỉ cho phép đội bóng hội ý khi đội bóng khống chế bóng (được quyền đá biên, đá phạt…).
c. Khi hội ý, các cầu thủ phải tập trung ở trong sân và không ai bên ngoài được vào sân. Nếu muốn nhắc nhở điều gì với đội, huấn luyện viên phải thực hiện ở đường biên dọc nơi hàng ghế cầu thủ dự bị.
d. Nếu trong hiệp 1, đội nào không yêu cầu hội ý, thì sang hiệp 2 cũng chỉ được quyền hội ý 1 lần.
4.5. Thời gian nghỉ giữa 2 hiệp không quá 15 phút.

5.  Bóng trong và ngoài cuộc
     5.1. Bóng được coi là ngoài cuộc khi:
– Hoàn toàn lăn qua vạch sân (kể cả trường hợp vạch gôn)
– Trọng tài cho dừng trận đấu
5.2. Bóng trong cuộc ở tất cả phần thời gian còn lại, kể cả việc bóng đập khung thành, cột gôn, trọng tài, trợ lý trọng tài (khi họ đứng trong sân) rồi nẩy, bật trở lại sân thi đấu.

6.  Bàn thắng
Bàn thắng được coi là hợp lệ khi toàn bộ bóng lăn qua vạch vôi cầu môn, trong giới hạn khung thành và không có hành vi phạm luật nào trước đó.

7.  Luật việt vị
Không áp dụng

8.  Đá phạt
Những quả phạt được phân làm 2 loại: “Trực tiếp” (bàn thắng được công nhận nếu bóng trực tiếp vào cầu môn đối phương) và “Gián tiếp” (bàn thắng chỉ được công nhận nếu trước khi vào cầu môn, bóng đã chạm hoặc được đá bởi một cầu thủ khác).
Khi một cầu thủ thực hiện quả phạt, các cầu thủ đối phương phải đứng cách bóng tối thiểu là 5m cho đến khi bóng đá rời chân và di chuyển. Trường hợp cầu thủ đối phương xông vào hoặc đứng không đủ cự ly 5m trước khi quả bóng được đá đi, trọng tài phải cho thực hiện lại (nếu bóng đã được đá đi) hoặc dừng việc thực hiện quả phạt cho tới khi mọi người thực hiện đúng quy định của Luật.
Bóng phải để “chết” khi thực hiện quả phạt và cầu thủ vừa đá phạt không được chạm bóng lần thứ 2 khi bóng chưa chạm hoặc đá bởi một cầu thủ khác.
Cách xử phạt:
8.1. Nếu cầu thủ vừa thực hiện quả phạt, ngay sau khi bóng vào cuộc, lại đá tiếp lần thứ 2 trước khi bóng được chạm hoặc đá bởi cầu thủ khác, sẽ bị phạt quả gián tiếp do đối phương thực hiện nơi vi phạm lỗi. Trường hợp lỗi vi phạm xảy ra trong khu phạt đền thì quả phạt sẽ được thực hiện trên vạch 6m gần chỗ phạm lỗi nhất.
8.2. Nếu đội được hưởng quả phạt thực hiện lâu quá 4 giây thì trọng tài sẽ cho đối phương được đá quả phạt gián tiếp đó.
8.3. Ký hiệu của trọng tài trong các quả phạt.
a. Phạt trực tiếp: Sau khi thổi phạt quả trực tiếp, trọng tài một tay chỉ hướng phạt còn tay kia chỉ xuống đất ra hiệu lỗi thứ mấy với trọng tài thứ 3 hoặc thư ký bấm giờ để thông báo số lỗi được tính vào lỗi tổng hợp.
b. Khi trọng tài phạt quả gián tiếp phải có ký hiệu một tay giơ cao khỏi đầu, lòng bàn tay hướng về phía trước và giữ nguyên như thế cho đến khi bóng được đá đi đã chạm hoặc được đá bởi một cầu thủ khác hay ra ngoài cuộc.
8.4. Từ quả phạt trực tiếp, bóng phải vào cầu môn đội đối phương bàn thắng mới được công nhận.

9.  Phạt đền
Trừ cầu thủ sút phạt và thủ môn đối phương, tất cả các cầu thủ phải đứng ngoài vòng cấm địa và cách bóng ít nhất 3m.. Bóng phải đá về phía trước. Thủ môn không được vượt quá vạch vôi cầu môn trước khi bóng được đá
Thủ môn chỉ được phép di chuyển trên vách cầu môn trong thời gian đá phạt. Tuyệt đối ko được tiến lên phía trước.
Cầu thủ đá phạt sau tiếng còi của trọng tài.

10.  Đá biên
Đá biên được thực hiện khi toàn bộ bóng lăn hết vạch vôi 2 biên. Không công nhận bàn thắng trực tiếp từ pha đá biên. Khi thực hiện đá biên, bóng và cầu thủ phải ở ngoài vạch vôi. Cầu thủ đá phạt không được chạm bóng lần thứ 2 trước khi bóng chạm cầu thủ khác, nếu không sẽ bị phạt trực tiếp ngược lại.

11.  Phát bóng
Phát bóng được thực hiện khi toàn bộ bóng lăn hết vạch vôi cuối sân, cầu thủ bên tấn công chạm bóng cuối cùng. Phát bóng được thực hiện tại bất cứ điểm nào trong khu vực cấm địa. Cầu thủ đối phương phải đứng ngoài vòng cấm địa và cách bóng ít nhất 3 mét. Bóng phải rời vòng cấm địa trước khi cầu thủ khác chạm bóng, nếu không sẽ phải thực hiện lại.

12.  Phạt góc
Phạt góc được thực hiện khi toàn bộ bóng lăn hết vạch vôi cuối sân, cầu thủ bên bị tấn công chạm bóng cuối cùng. Cầu thủ đối phương phải đứng cách bóng ít nhất 3 mét. Cầu thủ đá phạt không được chạm bóng lần thứ 2 trước khi bóng chạm cầu thủ khác, nếu không sẽ bị phạt trực tiếp ngược lại. (nếu bóng bay thẳng vào gôn thì bàn thắng sẽ được công nhận).

13.  Kỷ luật
Nếu có sự cố hai đội đánh nhau trên sân, trận đấu sẽ dừng ngay và BTC sẽ căn cứ vào mức độ nghiêm trọng để đưa ra các hình thức kỷ luật sau :
– Hủy kết quả trận đấu.
– Loại đội bóng ra khỏi giải.
– Cấm đội bóng thi đấu giải UVYD lần sau.
Đội nào bị BTC phát hiện thay người ngoài danh sách các cầu thủ đã đăng ký sẽ bị phạt loại trận thi đấu đó (0 điểm cho đội và 3 điểm cho đội bạn trong trận đó) cho dù tỷ số thế nào đi nữa.